Hiện nay, nhiều trung tâm dạy tiếng Việt triển khai giảng dạy 1 kèm 1 trực tuyến. Hoặc khi người học có nhu cầu đăng ký theo lớp 2-3 người, trung tâm cũng linh động theo.
Người nước ngoài tìm hiểu về văn hoá, truyền thống trong các lớp dạy tiếng Việt.
Ảnh: Fanpage Vietnamese Language Studies.
>> Giới thiệu Trung tâm dạy tiếng Việt online cho người nước ngoài
Trả lời phỏng vấn Zing, đại diện trung tâm Learn Vietnamese With SVFF cho biết họ đang giúp đỡ hơn 10.000 học sinh theo học mô hình online. “Dịch tuy có tác động nhưng không ảnh hưởng nhiều lắm đến trung tâm so với các ngành nghề khác”, đại diện nơi này cho biết.
Theo phản hồi từ đội ngũ giáo viên tại trung tâm, họ hào hứng vì gặp gỡ nhiều bạn bè trên thế giới thông qua quá trình dạy. Những người học có trình độ, sự nghiệp và đạt được thành công khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, có học sinh là bác sĩ thì giáo viên còn được hỗ trợ tư vấn sức khỏe miễn phí.
Trung tâm Tiếng Việt Sài Gòn – Vietnamese Language Studies (VLS) cũng ghi nhận số lượng học viên đăng ký học online tăng đột biến từ 7% (năm 2019) đến 73% (năm 2021). Nhìn vào đây, đại diện trung tâm khẳng định học online cũng có những lợi thế ngang bằng học trên lớp truyền thống.
“Đó là sự thuận tiện, không cần di chuyển trong điều kiện nắng, mưa. Có thể ghi âm, ghi hình buổi học để luyện tập thêm, giáo viên dễ dàng chia sẻ với học viên cùng lúc nhiều tập tin âm thanh, hình ảnh, video giúp bài học sinh động và thú vị hơn", đại diện trung tâm VLS nhận xét.
Công nghệ giúp học viên gần nhau, tương tác một cách lưu loát, thoải mái từ những nơi cách nhau nửa vòng Trái Đất mà như thể đang ngồi đối diện trong một phòng học.
Nhiều học viên đã khoe với trung tâm việc các anh chị viết sẵn tờ giấy bằng tiếng Việt, trình bày lý do ra đường với công an ở các điểm chốt giao thông để được đi qua. Một số học viên khác thì tham gia đội tình nguyện đi chợ hộ tại chung cư.
Những người nước ngoài cũng chia sẻ họ cảm thấy bản thân gần giống như một công dân Việt Nam khi cầm những mẩu giấy đặt hàng, đi tìm thực phẩm trong siêu thị để gửi cho những người cần. Và trong những khoảnh khắc ý nghĩa đó, học viên phát hiện ra họ hiểu “trái cây nhập khẩu”, “dưa hấu không hạt”, “khoai lang tím” là gì. Những “ứng dụng” nho nhỏ khiến học viên vui và cũng khiến người giảng dạy hạnh phúc vì công việc đã đạt được kết quả nhất định.
Với kinh nghiệm 5 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Thảo Sương (giảng Viên Đại học Kinh tế - Tài Chính TP.HCM) chia sẻ: “Thỉnh thoảng, mạng yếu không nghe rõ. Tuy nhiên cái lợi của việc học online là tiết kiệm thời gian di chuyển, có thể dạy một số học sinh ở xa, thậm chí ở nước ngoài".
Cũng như những giáo viên khác khi chuyển sang giảng dạy online, chị Thảo Sương cho biết mình cảm thấy nhức đầu khi nếu làm việc trước máy tính trong thời gian dài. Lời khuyên của chị là mọi người nên chú trọng thêm cả việc tập thể dục, nghỉ ngơi điều độ. Đồng thời, giảng viên và học sinh cần chuẩn bị cho mình đường truyền mạng tốt để tránh ngắt quãng trong giờ học.
Đồng tình với quan điểm trên, giáo viên Carol Dinh bổ sung thêm một số mẹo dành cho người nước ngoài muốn học tiếng Việt trong giai đoạn này. Cô cho rằng học viên nên dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để ôn tập và tìm thêm các nguồn tự học trên mạng như ứng dụng, phim, ảnh, tin tức...
Các lớp học 1 kèm 1 của cô giáo Carol Dinh. Ảnh: NVCC.
Thú vị với ngôn ngữ mới
Là người theo chủ nghĩa xê dịch, chị Lulu Jarab (37 tuổi, quốc tịch Argentina) chuyển đến TP.HCM đã 3 năm, dành phần lớn thời gian khám phá những vùng đất mới lạ trên khắp cả nước.
Giãn cách xã hội kéo dài, Lulu không thể “xách balô lên mà đi”. Buộc lòng, chị phải tìm cách để thích nghi. Lulu tìm cho mình một giáo viên dạy tiếng Việt online và bắt đầu việc học 2 ngày/tuần.
Đây vốn dĩ là mong muốn của Lulu từ lúc mới đặt chân đến Việt Nam. Song, chị luôn cảm thấy nó quá khó.
“Nếu để so sánh, nó khác hoàn toàn với 4 ngôn ngữ mà tôi sử dụng trước đó, bao gồm tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhưng cứ mỗi giờ học trôi qua, tôi lại biết thêm một chút. Tôi nghĩ mình cần thời gian dài để có thể trò chuyện trôi chảy với người Việt, nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng”, chị Lulu bình luận.
Trước giãn cách, anh Giulio Iazzetta (27 tuổi, quốc tịch Italy) giữ vị trí quản lý kinh doanh khu vực của một công ty cung cấp rượu vang tại TP.HCM. Vì tính chất công việc, anh thường chạy xe máy mỗi ngày vòng quanh thành phố, ghé thăm nhiều nhà hàng và khách sạn.
Anh Giulio khẳng định học tiếng Việt là quyết định tốt nhất anh đã đưa ra trong
mùa dịch và nó đem lại kết quả tích cực ngoài mong đợi. Ảnh: NVCC.
Lúc thành phố phong tỏa, Giulio cũng bắt tay vào việc học tiếng Việt. Thông qua hội nhóm dành cho người nước ngoài tại TP.HCM, anh đã tìm được giáo viên phù hợp. Đều đặn 3-4 ngày/tuần, Giulio có lớp học online bằng phần mềm Zoom.
Cứ như thế, anh đã trải qua 37 giờ học trực tuyến với giáo viên. Có thể nói, Giulio rất xem trọng việc học này khi nhớ cả thời điểm bắt đầu lớp là ngày 16/6.
Ban đầu, nhiều người nói Giulio đừng học vì nó không đáng. Anh hoàn toàn phản đối. “Nó sẽ dễ hơn nếu bạn chịu khó bỏ ra 2-3 giờ/tuần để tập trung học”, kinh nghiệm tự đúc kết của Giulio.
Chuỗi ngày giãn cách xã hội đã đem đến cho Giulio nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Anh cho biết mình đã có thể giao tiếp nhiều hơn với bảo vệ và quản lý chung cư bằng vốn tiếng Việt mới học của mình. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa anh và bạn cùng nhà cũng tiến triển tốt đẹp hơn khi người này nhờ Giulio phiên dịch giùm những từ tiếng Việt cơ bản.
Trước đó, Giulio chỉ ấp úng nói “xin chào” và “cảm ơn”. Mỗi lần như vậy, anh thấy rất xấu hổ. Bây giờ Giulio có thể đọc và hiểu những từ đơn giản. Hơn ai hết, anh chàng 27 tuổi này rất mong có thể trở lại văn phòng sau khi hết dịch để bắt chuyện với đồng nghiệp.
“Tôi rất vui vì công ty đã hỗ trợ bởi khi tôi mới đến văn phòng khi tôi là người nước ngoài duy nhất. Bởi vậy, tôi nghĩ học tiếng Việt cũng là hành động thể hiện sự tôn trọng, biết ơn họ”, Giulio hào hứng nói.