Lời giới thiệu:
Vào cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi bắt đầu cai trị các vùng mới chiếm đóng, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam muốn dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nôm, làm phương tiện giao lưu với dân bản xứ. Thời đó, mọi người đều công nhận thứ chữ này là một công cụ thuận lợi để dạy tiếng Việt cho các viên chức cai trị Pháp. Nhưng việc phổ biến chữ "quốc ngữ" cho toàn xứ , xem chữ quốc ngữ là chữ chính thức trong mọi công văn hành chính, đã không được sự đồng thuận nhất trí của giới thẩm quyền Pháp. Cuộc tranh luận xảy ra rất sôi nổi.
Tại Pháp, Trong hai buổi Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31 tháng 7 năm 1889 và 11 tháng 12 năm 1889, Aymonier, Hiệu trưởng trường Thuộc địa, đã phát biểu chống lại chủ trương phổ biến chữ quốc ngữ.
Aymonier dự đoán là về lâu dài Pháp sẽ bắt buộc phải trả lại quyền tự chủ cho người Việt. Do đó, mục tiêu ông thấy cần phải đạt tới là làm sao biến người Việt thành người Pháp-Á-Đông. Nếu tất cả người Việt, nhất là giới bình dân vốn là đại đa số, nói tiếng Pháp (dù là thứ tiếng Pháp "biến thể" , thô sơ, "tiếng bồi"), suy nghĩ như Pháp, thì một khi được trả chủ quyền, vẫn sẽ gắn bó với "mẫu quốc" như với đất nước mình, mua hàng của Pháp và quyền lợi của nước Pháp tại đất Việt sẽ được bảo tồn.
E.Roucoules, thuộc phe ủng hộ chữ quốc ngữ, đã lên tiếng phản bác E. Aymonier qua bài 'Tiếng Pháp, quốc ngữ và nền Học chính tại Đông Dương - Trả lời Ông Aymonier" ("Le français, le quốc-ngữ et l'Enseignement public en indochine - Réponse à M. Aymonier")
E. Roucoules là Giáo sư Cố vấn ( Professeur-conseil ), hiệu trưởng trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo-Chinoises de Saigon) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp (Alliance Française).
Bài Dịch
Chúng tôi vừa được đọc, với chú tâm đặc biệt, tập sách mới được phổ biến của ông Aymonier về đề tài tiếng Pháp và nền Học chính tại Đông Dương.
Chúng tôi càng vui mừng khi nhận được tập sách do chính tác giả gửi tặng, một công trình bậc thầy đã ra mắt sau những lời gièm pha ngu xuẩn mà có người đã không ngần ngại chuyển đến ông thứ trưởng thuộc địa, những điều mà lòng tự trọng khiến giới giáo chức tại Nam Kỳ chỉ có thể trả lời bằng thái độ khinh bỉ sâu đậm.
Những thông tri của ông Hiệu trưởng trường Thuộc địa tại Paris trong các hội nghị được tổ chức năm vừa qua , được kết tập lại, đã đặt vấn đề một cách chính xác, định rõ mục tiêu cần phải có và đề nghị những phương thức mà ông cho là tốt nhất để đạt tới.
Do đó, chúng tôi xin lên tiếng đáp lại lời kêu gọi của ông gửi đến những người có chú tâm tới Đông Dương và thiết tha với tương lai của thuộc địa tuyệt vời này.
Mong rằng chút kinh nghiệm mà chúng tôi đã kết thu , qua các chức vụ được giao phó từ mười hai năm qua trong ngành Học chính tại Nam Kỳ, cho phép chúng tôi góp phần cống hiến khiêm tốn và tiếp tay tìm giải pháp cho vấn đề đang lôi kéo chú tâm của mọi người .
Tất cả chúng tôi, viên chức cai trị và giáo chức, chắc chắn đều hết lòng hoan nghênh hai dự thảo nghị quyết được đưa ra trong hội nghị của Hội Pháp văn liên hiệp , và hội nghị thuộc địa vào năm 1889-1890, những hội nghị mà chúng tôi rất tiếc không được tham dự. Nếu có mặt chắc chắn chúng tôi sẽ nhiệt tình biểu quyết thuận. Quảng bá tiếng Pháp và nhất là mở rộng ảnh hưởng của nước Pháp, đó là điều ước mong sâu đậm nhất, là kỳ vọng duy nhất của chúng tôi.
Nhưng dù sao ta cũng nên thận trọng khi bước vào một con đường nguy hiểm hay có thể trở thành nguy hiểm, và đề phòng những công việc có thể tự động (de plano) đưa đến một cuộc cách mạng trong tập tục thói quen của các dân tộc thuộc địa hay bảo hộ.
Và chính tại điểm này mà chúng tôi hơi khác ý kiến với ông Aymonier.
Trước hết, là vấn đề chữ quốc ngữ , đã gây tranh cãi rất nhiều từ bao lâu nay.
Có người cho nó một tầm quan trọng quá mức, có kẻ lại quá xem thường.
Theo ý chúng tôi, trên thực tế, nên giữ một thái độ trung dung, đặt vai trò chữ quốc ngữ vào đúng tầm mức của nó , và dùng nó như một phương tiện mà ai ai cũng đều công nhận là tiện lợi, trong khi chờ đợi tìm ra cho người thợ trẻ trên đường học nghề một dụng cụ nhạy bén và hoàn hảo hơn.
Chúng tôi sẽ không bàn trở lại về định nghĩa của ông hiệu trưởng Trường Thuộc Địa tại Paris về thứ chữ này . Nó hoàn toàn đúng và chúng tôi không có lý do gì không chấp nhận nó.
Phải chăng đã là một ưu điểm lớn , khi nó giúp cho cả một dân tộc , trong vài tuần, học được cách để viết ra tiếng nói thông tục nhất. Đây chỉ là tiếng nói thông tục , chúng tôi đồng ý về điểm này, nhưng nó cũng là tiếng nói hàng ngày, tiếng nói được dùng trong các cuộc trao đổi thông thường của họ.
Người An Nam viết, và viết rất nhiều. Số lượng thư từ qua lại nhiều không biết bao nhiêu mà kể, và mức gia tăng đều đặn của tiền thu bưu điện là một bằng chứng về nhu cầu trao đồi giữa họ với nhau. Không chắc gì trước đây họ đã dùng nhiều bút lông, mực Tàu, giấy Tàu để thư từ cho nhau bằng ngày nay dùng giấy bút Âu châu với hai mươi lăm chữ cái của chúng ta
Ngày trước, để thảo hay lập một chứng thư không cần thị thực công chứng (Acte sous seing privé) [2] , thông thường họ phải nhờ một người trung gian . Ngày nay, hầu như không làng xã nào là không có nhiều người đăng ký làm chuyện này, hầu như mỗi gia đình đều có một con em từ 14 đến 20 tuổi biết chữ quốc ngữ, đủ dùng để thảo một lá thư đơn giản, và diễn tả được ít nhiều những ý cần thiết trong đời sống hàng ngày.
Chỉ cần thay thế một phần chữ Tàu bằng chữ cái Tây phương mà ta đã gặt hái được kết quả đó, dù không to lớn lắm. Dĩ nhiên, không phải cứ cùng chữ viết, ngay cả cùng tiếng nói, là sợi dây gắn bó hai quốc gia được bền chặt mãi mãi. Nhưng phải chăng nhờ vậy mà sự giao tiếp giữa đôi bên được dễ dàng hơn? Ai dám bảo là nền thống nhất của nước Pháp sẽ được xây dựng nhanh chóng như ta đã thấy, nếu trước kia , mỗi vùng xứ ta đã dùng những chữ viết khác nhau để ghi chép thổ ngữ riêng của mình ? Giao lưu thương mại của chúng ta với các miền Âu châu có được phát triển như ngày nay , nếu nước Pháp là nước duy nhất dùng chữ cái la-tinh?
Chắc gì học các tiếng nói Âu châu được dễ dàng như bây giờ nếu tiếng Anh được viết bằng chữ Tàu, tiếng Đức được viết bằng chữ Căm Pu Chia, tiếng Ý và tiếng Tây Ba Nha được ghi lại bằng chữ Ấn Độ hay Mã Lai ?
Cách phát âm khác nhau của một vài chữ cái phải chăng là khó khăn không thể khắc phục nổi ? Vấn đề này phải chăng không có trong cách ghi chép các tiếng nói Âu châu, và tôi xin thêm, vấn đề ghi chép ngay trong cùng mỗi tiếng nói?
Cái thiếu sót này là đặc tính của mọi công trình của con người, và chúng ta phải cố gắng khắc phục nó, nếu được, cũng như đối với ngay cả những khúc mắc phiền toái mà chúng ta không ngần ngại gọi là những khúc mắc cắc cớ "đặc Tàu" (les chinoiseries) của chính tiếng Pháp .
Những thiếu sót này phải chăng là một trở ngại cho việc dùng chữ quốc ngữ, ngay cả trong chương trình giáo dục chính thức ?
Vậy chúng ta thử xét qua xem chữ quốc ngữ có thể đem lại lợi ích gì về mặt này.
Cứ giả thử những điều Ông Aymonier nói hoàn toàn được chứng minh, tất cả trẻ em đều biết nói tiếng mẹ đẻ, điều này có nghĩa là tất cả những trẻ em sinh ra tại Pháp đều biết nói tiếng Pháp, tiếng nói của xứ mình. Vậy vấn đề được đặt ra là tiếng mẹ đẻ có vô ích trong việc giảng dạy tiếng nước ngoài hay không ?
Tại xứ Pháp của chúng ta, với thổ ngữ của các vùng vốn là những tiếng nói có gốc gác khác nhau, vấn đề trở nên rắc rối. Từ khi Giáo dục trở nên bắt buộc, chúng tôi nhớ đã đọc trong các tạp chí, báo chí chuyên ngành, và cả những báo cáo chính thức , nhiều bài viết đề nghị cho mỗi vùng Corse, Catalan, Basque và Breton [3], nên lựa chọn các giáo viên là người quê quán tại vùng đó. Những người này, vì biết thổ ngữ của vùng, có thể gặt hái được kết quả mau chóng và vững chắc.
Dù sao cũng chẳng có ý kiến nào đề nghị gửi giáo viên gốc miền Nam ra miền Bắc và ngược lại, trong mục tiêu ngăn chặn không cho dùng tiếng nói địa phương tại trường học.
Phải chăng như vậy là người ta chấp nhận phần nào lợi ích của thứ tiếng nói địa phương này?
Các trường học tại Pháp với một hệ thống phương tiện tuyệt vời, tốn kém bạc triệu, giúp cho trẻ em sờ tận tay thấy tận mắt qua hình ảnh, hiện vật, mọi thứ phải học. Rồi sau đó chỉ cần một từ vựng rất giới hạn để diễn nghĩa.
Tại xứ này, vận dụng tiếng mẹ đẻ là điều tuyệt đối không thể tránh được. Còn lâu ta mới có thể nghĩ tới chuyện cung cấp cho mỗi trường làng, hay ngay cả trường tổng, một hệ thống phương tiện hoàn thiện như vậy, và phương cách hay nhất để giảng dạy tiếng Pháp thông dụng cho một nhóm trẻ em vẫn là phiên dịch.
Như vậy, với những trẻ em thông thạo tiếng nói xứ sở chúng; chúng học đọc và viết , nhiều lắm là trong vòng vài tháng , những chữ cái Pháp có thêm bớt sửa đổi để ghi lại chính xác âm điệu tiếng nói. Chúng có thể viết những từ thông dụng của tiếng mẹ đẻ. Chính tại điểm này mà việc vận dụng chữ quốc ngữ là cần thiết, nó giúp ta viết bên cạnh mỗi từ tiếng An Nam diễn tả một vật dụng hay một sự việc cụ thể, một từ tiếng Pháp tương đương. Khi một từ, đơn độc hay được ghép trong những câu ngắn, được viết đi viết lại nhiều lần, được đọc thành tiếng nhiều lần thì chúng tôi quả quyết rằng từ đó sẽ được khắc ghi dễ dàng và nhanh chóng trong trí nhớ trẻ em hơn là cứ lặp đi lặp lại vài chục lần cũng từ đó nhưng không được dịch nghĩa. Nhiều khi trẻ em chẳng giữ lại được gì trong tâm trí ngoài một vài âm điệu vô nghĩa, vì thực ra, hiếm khi ta có thể cho chúng thấy cụ thể vật dụng hay sự việc mà từ đó diễn tả.
Mỗi ngày những trẻ em này sẽ ghi nhớ được một số từ, bốn hay năm chẳng hạn, và cuối tháng chúng sẽ có một từ vựng từ 120 đến 150 từ, cuối năm là 1200 tới 1500 từ. Kết quả phải chăng là thiết thực ? Phương pháp truyền dạy trực tiếp tiếng Pháp bởi người Pháp có thu được kết quả tốt hơn không, ngay cả chỉ ở mức độ tiếng tóm-gọn (sabir) [4] ? Kết quả một lớp thí điểm cho thấy: vào năm 1880 và1881, những trẻ em mới bắt đầu đi học , được đưa vào lớp các cô giáo người Pháp, không thông ngôn trợ giúp, tiếp thu kém hơn rất nhiều so với những trẻ em không theo phương pháp giảng dạy trên.
Nhóm trẻ em sau [5] , cuối năm học thứ hai, đã giải được bốn phép tính bằng tiếng mẹ đẻ và bằng tiếng nói của ta, viết được vài hàng chữ Pháp.
Cuối năm thứ ba, chúng biết phép tính trọng lượng, đo lường, tiền tệ của ta và của xứ sở chúng. Chúng cũng thu góp được vài kiến thức tổng quát.
Một khi chữ quốc ngữ chỉ có tác dụng giúp ta mau chóng phổ biến thứ giáo dục hoàn toàn sơ đẳng này, chúng ta có nên từ chối không dùng nó không?
Nhưng , không những thế, nó còn giúp ta cho hội nhập vào từ ngữ hàng ngày rất nhiều từ tiếng Pháp không có tương đương trong tiếng An Nam, những từ này sẽ không nên ghi bằng chữ quốc ngữ. Chúng ta sẽ viết lên bảng với chính tả hoàn toàn Pháp. Chúng ta sẽ không viết mât-lo, không pha-lan, không Mất-chinh, v.v..., nhưng viết đúng chữ matelot, franc, machine, và như vậy từ này sẽ được ghi nhớ. Chỉ có lời giải nghĩa là được viết bằng tiếng nói hàng ngày bản xứ và từ vựng tiếng Pháp đã được học từ trước; nghĩa được hiểu và từ được ghi nhớ.
Chính nhờ vậy mà giới trẻ An Nam thường thay thế các từ còn thiếu trong tiếng nói của họ bằng một từ tiếng Pháp , thay vì lấy từ, hay chữ, của những kẻ xưa kia đô hộ họ. Qua nhận xét, chúng tôi thấy là trong thư từ trao đổi của học trò thế hệ trẻ sau này, khoảng một phần tư từ được dùng là tiếng Pháp, và tiếng Pháp rất chuẩn. Đây chính là công dụng của chữ quốc ngữ. Nó được vận dụng như vậy trong mọi trường học Pháp, được tài trợ bởi ngân quỹ địa phương. Dù ai có nói gì đi nữa, từ năm 1880, tại mỗi tỉnh lỵ địa hạt, đã có một trường Pháp cho người bản xứ. Tại Saigon, từ năm 1882 và 1883, mỗi trường trung học có một trường tiểu học phụ thuộc. Sau một thời gian bị tách rời ra khỏi các trường trung học vì lý do ngân sách, các trường tiểu học này, sau một vài cải tiến, vừa mới được móc nối lại với trường trung học.
Tôi còn chưa kể đến một số , không nhiều, trường tổng trong đó việc giảng dạy được giao cho các giáo viên bản xứ mà trình độ tương đối cũng xít xoát với trình độ cần có để dạy tiếng tóm-gọn (sabir).
Dăm ba kẻ bi quan kinh niên trách cơ quan Học chính truyền bá tiếng Pháp quá rộng rãi, và chỉ đào tạo ra những kẻ lỡ thời, khi mà , ngày hôm nay, các chức vụ hành chính đã đủ người, các cơ quan không cần thêm nhân viên mới, mọi chỗ làm đã được phân phối cho đến cả những người học kém nhất. Nhưng phải chăng đó là lỗi của cơ quan Học chính? hay do những điều kiện ngày nay không còn nữa?
Bất kỳ một biện pháp nào, khi đưa ra thi hành cũng cần một giai đoạn chuyển tiếp. Như chúng ta đã thấy tại Pháp, khi luật cưỡng bách giáo dục tiểu học được ban hành, người ta đã phải mở ra, gần như ngay lập tức, các trường Trung học đặc biệt (Enseignement secondaire spéciale) và trường Tiểu học cao đẳng (Enseignement primaire supérieur) cho các trẻ em đã theo học chương trình Tiểu học sơ đẳng (Instruction primaire élémentaire) cần được bổ túc thêm kiến thức để tránh trở thành kẻ lỡ thời , không nghề nghiệp (déclassé). Tiếp theo đó, các trường chuyên nghiệp, nông nghiệp và kỹ thuật hướng dẫn chúng vào các ngành nghề mới.
Hiện nay, tại Đông Dương, chúng ta chỉ cần tạo thêm những loại trường tương tự cho các trẻ em đã theo học trường của chúng ta.
Xóa bỏ nền giáo dục chính thức bằng chữ quốc ngữ và thay vào đó một nền giáo dục bằng thứ chữ tóm-gọn (sabir) phải chăng là phương thuốc cho căn bệnh mà người ta đổ lỗi là do chúng tôi mà có? Giải pháp này có làm cho tình trạng hiện tại nghiêm trọng hơn không ? và tạo thêm những kẻ lỡ thời, mau hơn và nhiều hơn nữa không ?
Không hề có ai nói rằng tiếng An Nam thông tục có thể diễn dịch các lập luận trừu tượng hay khoa học. Nhưng ngoài những kiến thức sơ đẳng nhất, một trình độ giáo dục ở mức độ đó chỉ có thể và chỉ nên truyền dạy cho thành phần ưu tú của dân chúng. Tiếp theo, sẽ truyền dạycho một số rất ít những thí sinh trúng tuyển vào các kỳ thi có định kỳ ở cấp độ cao bằng thứ tiếng Pháp thực thụ và đúng đắn, tương đương với chữ nho của ngày xưa. Có nhiều ý đơn giản , thực thụ Pháp, có thể được diễn dịch bằng tiếng An Nam thông tục, được phổ biến dễ dàng và nhanh chóng hơn là qua tiếng tóm-gọn (sabir).
Ngay tại Pháp, việc phổ biến các ý nghĩ và tình cảm , từ lâu đã đi trước việc phổ biến tiếng nói, và không chờ đợi cho đến khi thổ ngữ địa phương bị xóa bỏ, hay biến mất. Mà thực ra cho đến ngày hôm nay, các thổ ngữ này vẫn còn tồn tại.
Dĩ nhiên, thật là đáng mừng khi được thấy dân bản xứ biết cười với Paul de Kock[6], tìm đọc Alexandre Dumas [7], và rơi nước mắt phập phồng theo những đột biến trong tiểu thuyết của Eugèng Süe [8]. Nhưng làm sao họ đạt được mức độ cảm thông đó với vốn liếng tiếng nói tóm-gọn (sabir), họa chăng là phải chuyển tất cả những tác phẩm của các tác giả trên thành tiếng tóm-gọn, và ngay cả làm như vậy cũng chưa lấy gì làm chắc.
Cứ thử cho người nông dân xứ ta [9] lựa chọn giữa một tác giả thành danh và một tờ lá cải viết bằng thứ tiếng Pháp thiếu chuẩn của quê họ, chắc chắn là họ sẽ không do dự.
Họ sẽ vạn lần thích thú với câu chuyện vui dí dỏm kể bằng thổ ngữ của họ hơn là nghe Legouvé diễn thuyết [10] .
Nào phải vì vậy mà họ không tiếp thu được những thị hiếu mới, những nhu cầu mới, không biết phát triển những phương pháp trồng trọt, buôn bán, kỹ nghệ của họ ? Nào phải vì vậy mà họ không là người Pháp thực thụ ?
Tại Đông Dương cũng vậy; có lẽ lại còn quá nhanh nữa !
Dùng chữ quốc ngữ theo đường hướng chúng tôi đã đề xướng có lợi điểm tức khắc là không cắt đứt với quá khứ và tạo ra những thói quen tập tục, có thể nói là do áp đặt cũng được, nhưng sẽ được tiếp thu hoàn toàn. Thứ chữ này sẽ là một phương tiện dù chậm nhưng chắc chắn và cần thiết, để tiêm vào một từ vựng không nghèo nàn hơn, nhưng chắc chắn đúng chuẩn và chính xác hơn là thứ tiếng tóm-gọn (sabir). Ngoài ra, nó vừa đủ để truyền bá những ý niệm đầu tiên, khơi mào cho mọi việc.
Chúng tôi đã tóm thu vai trò chữ quốc ngữ vào đúng tầm mức của nó, một phương tiện ích lợi và không thể bỏ qua. Và đây là vai trò duy nhất nó có thể cáng đáng được.
Bởi vì, ngay từ năm 1867, khi những trường dạy viết bằng chữ cái la-tinh được mở ra, các giáo viên được đào tạo tại đây đã phải tập phiên dịch ra tiếng Pháp. Năm 1868, Đô đốc Ohier [11] đã thành lập một ủy ban với trách nhiệm soạn thảo một quyển sách văn phạm và một quyển tự điển cho học sinh, giúp họ trong việc học tiếng Pháp. Ông Potteaux, thông ngôn người Âu, được giao cho đặc trách phát hành sách vở liên quan đến việc học này. Ngay sau đó, trường sư phạm được mở. Tất cả những nghị quyết về sau đều chỉ có mục đích là quảng bá việc học tiếng Pháp, và nghị định ngày 17 tháng 3 năm 1879, quy định điều hành việc Học chính càng củng cố đường hướng này. Ngay từ năm 1876, những thí sinh nhắm các chức vụ trong cơ quan hành chính phải có bằng cao đẳng bản xứ (brevet indigène) [12] với chương trình , phần lớn nhắm vào việc học tiếng Pháp.
Những điều kiện cấp thời và tối quan trọng đã không cho phép thi hành triệt để các quy định trên.
Nghị định 1880, tạo ra trường tổng, quy định cấp 200 francs phụ trội hàng năm cho những giáo viên An Nam dạy thêm vài khái niệm tiếng Pháp.
Đáng tiếc là phương tiện cung cấp không tương xứng với mục tiêu. Các trường sơ đẳng (écoles élémentaires) không tìm ra đủ nhân sự. Hơn nữa, trao đổi bằng tiếng An Nam , và đương nhiên việc ghi chép nó bằng chữ quốc ngữ, bị cấm tại các trường địa hạt. Các lớp không được phép dùng thông ngôn, và việc giảng dạy trực tiếp tiếng Pháp bởi giáo sư Pháp trở nên bắt buộc.
Các giáo sư Âu châu, ngoài vài trường hợp hiếm hoi, không biết nói tiếng bản xứ (1880-1881). Họ hầu như không thể nào trao đổi với học trò được.
Năm 1878 đô đốc Laffont [13], và năm 1879, Ông Le Myre de Vilers, quy định dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chính chính thức. Nếu việc này quả thực đúng là có lỗi, thì cái lỗi cũng rất nhẹ và có thể bỏ qua được.
Thật vậy, vào thời đó ít người Pháp biết chữ nho, do những khó khăn trong cuộc chiến chinh phục và bận rộn công việc cai trị, họ chỉ có thể học hỏi qua loa thứ chữ này.
Ghi lại tiếng nói thông tục bằng chữ quốc ngữ giúp cho các viên chức cai trị và các thư ký người Âu, nhanh chóng học được tiếng nói , hiểu được các văn kiện, lới khai cung , gần như bao giờ cũng được ghi lại không phải bằng chữ Nho mà là bằng chữ Nôm, từ đó, kiểm soát được việc làm của các thông ngôn hay các nho sĩ, là những đẳng cấp chắc chắn cũng nguy hiểm không kém những người babous [14] xứ Ấn độ.
Nếu , qua thứ chữ này, chúng ta từ từ tiêm nhiễm tiếng Pháp không ngừng nghỉ, chúng ta sẽ không sợ mắc lỗi quá hấp tấp , và chúng ta cũng sẽ không vấp phải cái khó khăn không giải đáp là: dạy một ngoại ngữ không thông dịch với thày dạy không hiểu tiếng nói của học trò.
Ngày hôm nay, cái điều bất tiện này, cái chướng ngại này phải chăng đã biến mất? Nhân sự cần thiết cho việc dạy tiếng Pháp tóm-gọn (français sabir), còn lâu mới tìm ra. Và ngay cả có tìm được, nhân sự này sẽ quá đắt. Ngân quỹ địa phương, hay ngân quỹ toàn vùng không thể nào chịu nổi chi phí cần thiết cho lương bổng của ít nhất cũng 2500 giáo viên làng xã biết tiếng Pháp tóm-gọn. Trả lương một giáo viên tiếng tóm-gọn bằng lương của một thày chữ Nho xưa kia ở làng, nghĩa là thấp hơn lương của một cu-li ngày hôm nay, là hạ thấp giá trị của người công chức vốn dĩ đã khiêm tốn này và tiêu diệt công trình ngay từ khi còn trứng nước, hay phó mặc nhân viên này cho sự khai thác lợi dụng của làng xã , cho những tính toán tham ô.
Phương sách đề nghị có lẽ sẽ là dùng giáo sĩ, khiến cho việc tuyển dụng được đễ dãi và biến họ thành giáo viên dạy tiếng tóm-gọn, cho họ tiền trợ cấp cao.
Chắc chắn, chúng tôi chẳng trông mong gì hơn là được thấy một cuộc đọ sức hoà bình trong thi đua [15]. Chúng tôi không biết một tổ chức giáo dục giáo đoàn phát triển như thế sẽ đem lại lợi ích gì trong tương lai. Nhưng nếu phải rút tỉa bài học từ quá khứ, thì đây là lúc ta phải làm.
Đừng quên rằng vào năm 1874, đô đốc Dupré [16] đã muốn thử quảng bá tiếng Pháp và phổ biến rộng chữ quốc ngữ, chữ viết đã được chính các nhà truyền giáo tạo ra và truyền dạy từ bấy lâu nay. Nhưng lúc bấy giờ chính những vị này lại tỏ ra chống đối việc truyền dạy thứ chữ này, rồi gây ra nhiều xung đột , khiến chính quyền cấp cao của đô đốc-toàn quyền phải can thiệp.
Cũng đừng quên rằng chính tự ý họ lấy quyết định đóng cửa các trường Ki-tô tại thủ phủ các địa hạt, và đã khiến , hôm trước hôm sau, phải tổ chức lại và thay thế nhân sự trường Bá-đa-lộc (collège d'Adran), đột nhiên bị bỏ trống sau một kỳ thanh tra của viên chức thanh tra tiểu học.
Không thể nào trông cậy vào sự trợ giúp hữu hiệu từ những người, có thể là tận tụy, tin tưởng vào việc mình làm, chúng tôi sẵn sàng công nhận điều này, nhưng vì tinh thần đoàn thể , đã chống đối lại việc phổ biến thứ chữ mà họ đã tạo ra, khi họ thấy rằng một khi vào tay kẻ khác thứ chữ này có thể tạo ra những thế lực cạnh tranh làm giảm thiểu ảnh hưởng của họ.
Một thí dụ điển hình về tính bành trướng và độc lập đối với chính quyền của họ phải chăng đã hiện rõ qua vụ án trung úy Garcin. Cũng may Garcin đã được tha bổng.
Các Hội truyền giáo, trước đây đã nhận được những trợ cấp trực tiếp lên đến 160 000 francs. Ngày nay họ có nhận được ít hơn không ? Chắc chắn là không, và cũng dễ chứng minh thôi. Tổ chức giáo dục trực thuộc giáo đoàn , một mình, chiếm hơn hai phần ba nguồn chi ngoài quy định của ngân sách Học chính, mà nguồn ngoài quy định này lại cao hơn nguồn chi được quy định đến quá một phần tư.
Và kết quả gặt hái được ra sao ? Năm 1889, theo thống kê do các giáo sĩ đưa ra nhân kỳ Triển lãm, giỏi lắm là 500 hay 600 trẻ em được học tiếng Pháp. Đấy là ta đã gồm trong con số này hầu hết các học trò trường Thaberd, trường Dòng (école des séminaires) và trường Sainte-Enfance.
Chuyện này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì chính những vị lãnh đạo tâm linh tối cao của các nhà truyền giáo và các nữ tu đã tuyên bố rằng giáo dục dân bản xứ không phải là mục tiêu của họ, và việc dạy tiếng Pháp lại càng xa vời hơn nữa.
Vì vậy, họ chỉ còn truyền dạy, ở bên ngoài địa phận Sài Gòn, chữ quốc ngữ cần thiết đề học kinh cầu nguyện.
Sách họ xuất bản hầu hết là sách truyền giáo nhằm chiêu nạp người vào đạo và giảng dạy cho người mới học đạo. Ngay cả về mặt này, thành quả gặt hái được phải chăng là to lớn ? Từ hơn hai trăm năm qua, họ đã cải đạo cho 500 000 người bản xứ trên 30 triệu người, trong khắp Đông Dương. Kết quả chỉ như vậy dù được sự hỗ trợ của giới có quyền thế, dù cho dân An Nam rất dễ cải đạo, có khi chỉ cần một túi gạo. Cải đạo quả thật là rẻ mạt, nhưng ai dám bảo đảm được thành tâm ? Một tâm hồn, dù là tâm hồn Viễn-Đông, khó mà có thể mua chuộc được với giá rẻ như vậy, họa chăng là người bán muốn bán đi bán lại nhiều lần cùng một món hàng. Và có người nói chuyện này là có thật.
Một nhóm nhỏ theo đạo Ki-tô này, tự nó có đủ để cắt đứt tính thống nhất của nòi giống? Chúng tôi xin miễn bàn về những suy tư có tính chính trị này.
Về nước Đức, một tác giả thành danh mới tuyên bố gần đây rằng cùng tiếng nói, cùng đạo giáo không đủ để kết chặt tính thống nhất của một dân tộc, mà chỉ cần cùng quyền lợi, cùng khổ đau hoạn nạn.
Nếu tư tưởng này đúng, tập hợp Đông Dương này đã tan rã từ lâu qua bao lần nội chiến chia cắt lâu dài miền Bắc và miền Trung của đế quốc An Nam. Vậy mà chúng ta không thấy đã có một mưu toan hàn gắn các mảnh vỡ trong trận chiến vừa qua đó sao? (mưu toan năm 1885 tại Nam Kỳ) .
Dĩ nhiên, vấn đề đạo giáo không phải là món hàng xuất khẩu. Vậy tại sao lại đem nó xuất khẩu, và lại tạo điều kiện cho những kẻ trước đây đã đem nó xuất khẩu có thể bành trướng thêm, bằng cách truyền sức để cho họ tăng cường ảnh hưởng và đặc quyền, và để cho chúng ta phải chuẩn bị đón nhận, chỉ không lâu nữa đâu, những mưu toan đối kháng như vào năm 1874, những giai đoạn đẫm máu như tại Khánh Hòa, hay những phong trào bất tuân lệnh như tại Bắc Kỳ.
Không nên lấy chuyện các nhà truyền giáo Anh ra làm gương để bàn cãi. Vấn đề đạo giáo, đối với họ, chỉ là vấn đề phụ. Trước hết họ là công dân nước Anh, và đạo giáo của họ rất đậm tính dân tộc. Thánh kinh, dù được soạn thành đơn giản, cũng chỉ là một món vật trao tay, một món hàng, và dù các giáo đoàn của họ lắm tiền nhiều của, có lẽ ta dễ dàng thấy là những kẻ cải đạo theo Tin lành Anh không đếm bằng con số triệu.
Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin có đôi lời về nhân sự phi tôn giáo của tổ chức Học chính Nam Kỳ, mà mọi người từ ông Bouinais đến ông Duchemin thấy cần phải kết tội dù không biết gì về họ.
Phải chăng nhân sự này chiếm phần lớn ngân quỹ và chẳng giúp ích được gì ? Gán tất cả tiền xuất chi của nha Học chính vào mục phí tổn lương bổng giáo sư quả thật là quá dễ. Cứ cho như họ mong muốn như vậy đi ? Thực tế, tiếc thay, lại ngược lại. Ta thử tách ra phần chi thuộc những quy định của cái chương VII đặc biệt, gồm học bổng và tiền trợ cấp cho tổ chức giáo dục của giáo đoàn, học bổng tại Pháp cho đông đảo con em công chức, thì còn lại chỉ một phần nhỏ cho nhân sự địa phương, không đủ để tăng lương cho nhiều nhân viên xứng đáng.
Còn về kết quả ? Bất chấp mọi khó khăn, mọi trở ngại kể trên, ai đã đào tạo không biết bao nhiêu là thông ngôn, thư ký, nhân viên điện báo , nhân viên ngoại ngạch của các công sở được mở ra từ 10 năm qua tại Nam Kỳ, Căm Pu Chia, An Nam và ngay cả tại Bắc Kỳ, tại đây nhu cầu mỗi ngày mỗi gia tăng?
Những học sinh mà ta không sao đào tạo đủ này, dù sao họ cũng phải biết chút ít tiếng Pháp, là một cánh cửa hé mở để cho những hoa quả đang khô héo có ngày lại nởbung ra trong một tương lai sáng láng.
Chúng tôi chỉ xin nhắc lại , để khỏi quên, những phần thưởng dành cho các trường học tại Hội Chợ Kỷ Niệm Trăm Năm (Exposition du Centenaire [17]) , tại đó Ông Aymonier đã có thể thấy tận mắt và đánh giá những công trình của học trò các trường bản xứ cấp 1 và cấp 2, tại các tỉnh miền trong cũng như tại Sài Gòn.
Nếu các giáo sư người Âu không được dân sở tại quý mến, kính trọng thì tại sao mỗi khi một trường ngoại trú hay nội trú được mở ra và giao phó cho một hiệu trưởng người Pháp, người ta thấy trẻ em ồ ạt kéo tới và các bậc cha mẹ xem như là một ân huệ nếu dành được một chỗ cho con em mình, và chúng ta đã rất tiếc bị bắt buộc phải từ chối ? Tại sao khoảng một trăm gia đình, và con số này không ngớt gia tăng, đã tự ý ghi tên con em vào nội trú có đóng chi phí, tại các trường sơ đẳng tại Sài Gòn.
Việc cải tổ chính tả cho hợp lý có lẽ sẽ làm nhẹ việc cho giáo sư và học trò; nhưng chúng tôi không muốn bàn nhiều về vấn đề này mặc dù nó xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn.
Chúng tôi xin kết luận:
Đúng là từ Nam Kỳ, việc quảng bá tiếng nói và ảnh hưởng của nước Pháp đã và đang tiếp tục tỏa rạng. Chúng ta có một dụng cụ đã qua nhiều thử thách, những người thợ có khả năng, được đào tạo cho dụng cụ đó. Không nên đột nhiên thay dụng cụ, hay thay thợ.
Sài Gòn ngày 20 tháng Bảy 1890.
E. Roucoules
Huân chương Giáo dục
Hiệu trưởng trường trung học Chasseloup-Laubat
Phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo-Chinoises) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp (Alliance Française).
E. Roucoules
Huân chương Giáo dục
Hiệu trưởng trường trung học Chasseloup-Laubat
Phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo-Chinoises) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp (Alliance Française).
Lại Như Bằng dịch : 01-02-2015
Đọc lại ngày 01-06-2015 ( sửa một hai chữ thiếu chính xác).
Đọc lại ngày 01-06-2015 ( sửa một hai chữ thiếu chính xác).