Nhóm Ngôn Ngữ Việt-Mường (NhómVM) gồm những ngôn ngữ nào ? Tại sao lại phải quan tâm đến nó ?
H. Maspero trong công trình nghiên cứu trứ danh về Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1912) trong lúc truy tầm về nguồn gốc và quan hệ thân thuộc của tiếng Việt, đã vô tình đặt ra nền tảng của cái mà ngày nay ta gọi là Nhóm Việt-Mường .
Tiếng Việt tách ra thành một cá thể ngôn ngữ riêng biệt từ một hạ tầng Nam Á (substrat austroasiatique) nhưng vì những vay mượn qua tiếng Thái (còn gọi là Tháy, Táy) và tiếng Hán và trải qua những biến chuyển ngữ âm đặc thù với sự hình thành một hệ thống sáu thanh điệu, nên đã che lấp đi quan hệ họ hàng của ngôn ngữ này. Vì vậy tiếng Việt lần lượt được xếp là có quan hệ gần với những họ ngôn ngữ Môn-Khmer, Miến-Tạng, Thái, để sau cùng được đưa vào họ Nam Á bởi Sebeok (1942), rồi bởi Haudricourt (1956). Có thể tham khảo bài viết của G. Diffloth trong Encyclopedia Britannica để biết các ngôn ngữ thuộc họ Nam Á.
Haudricourt tiếp nối công trình của Maspero đã giải thích một cách thuyết phục sự hình thành của hệ thống thanh điệu trong tiếng Việt (1954) và do đó phá bỏ cái rào cản trong việc truy tầm quan hệ cội nguồn của tiếng Việt (đối với ngôn ngữ Môn-Khmer không có thanh điệu). Nói tóm lại, hai nhà ngôn ngữ học Maspero và Haudricourt đã làm kẻ vạch đường trong việc phục nguyên những trạng thái cổ xưa của tiếng Việt.
Bên cạnh tiếng Việt và những phương ngữ của nó thì tiếng Mường, ngôn ngữ gần gũi nhất, đã phơi bày ra những nét bảo lưu mà trên đại thể có thể phản ánh một trạng thái cổ của tiếng Việt.Vì thế nghiên cứu các ngôn ngữ Mường có tầm quan trọng lớn đối với việc tìm hiểu lịch sử tiếng Việt. Maspero trong công cuộc nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt ngoài tư liệu chữ Hán còn sử dụng số từ vựng mà Chéon đã thu góp được về tiếng Mường Sơn Tây (1905) và các tiếng Nguồn, Sách, Mường (1907). Ðịa bàn cư trú các dân nói tiếng Mường (theo nghĩa rộng, tức là gồm các ngôn ngữ thuộc nhóm Chứt) chạy từ Yên Bái, ở phía Bắc không vượt qua Sông Hồng, đến tỉnh Quảng Bình ở phía Nam, không quá Ðèo Mụ Giạ. Ở sườn Tây phía Bắc xứ Mường là xứ Thái ; ở sườn phía Ðông là khu cư dân người Việt. Ði vào phía Nam thì xứ Mường dựa vào dãy Trường Sơn phía Tây, còn phía Ðông thì dải đất hẹp chạy dài theo bờ Biển Ðông là khu cư trú của người Kinh. Muốn hiểu thêm về người Mường, xin đọc J. Cuisinier (1948) và Trần Từ (1996).
Những ngôn ngữ cực Nam thuộc Nhóm VM được gặp thấy ở cả hai bên dãy Trường Sơn gần Ðèo Mụ Giạ. Ðó là tiếng Sách được Cadière nhắc đến năm 1905, tiếng Mày và tiếng Rục do Vương Hoàng Tuyên phát hiện năm 1963 tuy tên Rục đã được J. Cuisinier nêu lên trong công trình của bà năm 1948. Các nhóm Mày, Sách, Rục cư trú vùng thượng lưu Sông Gianh được gom lại dưới danh gọi là dân tộc Chứt. Theo Viện Dân Tộc Học (1978, tr. 86), Chứt còn bao gồm cả các dân Arem và Mãliềng. Một số từ vựng Khạ Mụ Giạ do A. Fraisse thu lượm (1950), và Tắc Củi do Th. Guignard (1911) ghi lại cho phép chúng ta định rằng hai ngôn ngữ sau là cùng nhóm với các ngôn ngữ kể trước.
Với tiếng Hung và tiếng Không Khênh mà Mapero có nhắc đến theo một bản viết tay của Guignard (1907) và tiếng Toum hay Pong do Haudricourt (1966) nêu lên theo bản chép tay của Fraisse, chúng ta đối mặt với một nhóm phụ, tách biệt với những ngôn ngữ vừa kể trên.
Cùng dựa theo một bản chép tay, Haudricourt đưa ra một bảng từ Khạ Tong Luang được xem như đồng ngôn ngữ với Khạ Tha Vung và Khạ Phon Soung mà Ferlus (1979) đã ghi được ở Khammouane (Cam Muộn, Lào).
Nhìn chung muốn phục nguyên một ngôn ngữ chung cho tiếng Việt và tiếng Mường (theo nghĩa hẹp, tức là không kể các ngôn ngữ thuộc nhóm Chứt ở Quảng Bình) trước khi Việt và Mường tách thành hai ngôn ngữ cá biệt vào khoảng thế kỷ IX, thì ta dựa vào tư liệu thuộc tiếng Việt và tiếng Mường Hoà Bình và Thanh Nghệ. Ta tạm gọi đó là tiếng Việt-Mường chung.
Nhưng muốn tái lập một ngôn ngữ có truớc tiếng Việt-Mường chung, gọi là Proto Việt-Mường, nghĩa là tiếng mẹ của Việt, Mường, và của những ngôn ngữ nhỏ nằm rải rác ở Quảng Bình-Hà Tĩnh, bên này dãy Trường Sơn và cả bên kia, thì việc đi thực địa để thu lượm bảng từ, nhận diện các nhóm dân ít người quả là cần thiết.
Nhìn một cách đại lược, những người khởi xướng ra việc suy tầm cội nguồn của tiếng Việt là những nhà ngôn ngữ học Âu Châu, dựa theo ngữ âm so sánh. Công cuộc đi thực địa nhắm vào những ngôn ngữ nhỏ và bảo lưu thuộc Nhóm VM như Arem (76 dân), Rục (125 dân), Mãliềng (320 dân), Mày (715), Sách (625) bị gián đoạn với cuộc chiến tranh Ðông Dương thứ nhất (1947-1954). Lợi dụng thời gian hoà bình 1954-1962, một số nhà dân tộc học Việt Nam đã trở lại miền núi Quảng Bình để khảo sát các nhóm dân ở đây. Năm 1963, Vương Hoàng Tuyên cho xuất bản cuốn Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, rồi năm 1964 Mạc Ðường công bố cuốn Các dân tộc miền núi bắc Trung bộ.
Kể từ 1978, Ðại Học Paris 7 và Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Pháp (CNRS) qua nhà nghiên cứu Nguyễn Phú Phong, và sau 1991 có Michel Ferlus (CNRS) tham gia, đã hợp tác với Viện Ngôn Ngữ và Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội đi sâu vào hậu cứ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình để thu lượm tư liệu về ngôn ngữ thuộc Nhóm VM. Kết quả là đã công bố một cuốn từ vựng tiếng Rục (1988), một cuốn khảo sát tiếng Nguồn (1997) và đóng góp một số bài tham luận về Nhóm VM trong các hội nghị ngôn ngữ học quốc tế, như bài Nguồn gốc thanh điệu ở Nhóm VM (Ferlus, 2001). Về phía Việt Nam đã cho phát hành hai chuyên luận về tiếng Rục (Nguyễn Văn Lợi, 1993) và người Rục (Võ Xuân Trang, 1998). Ðặc biệt, Nguyễn Văn Tài thuộc Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội, năm 1982 đã bảo vệ luận án phó tiến sĩ Ngữ âm tiếng Mường qua các phương ngôn. Phụ lục II của luận án là bảng Từ vựng tiếng Mường (So sánh gần 1000 từ ở 30 thổ ngữ). Ðó là một tư liệu rất quí đáng được công bố. Nguyễn Tài Cẩn, tác giả cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt (1979) lại cho ra mắt một Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (1995).
Các nhà ngôn ngữ thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô năm 1979 có gửi một phái đoàn qua Việt Nam đi điền dã và kết quả là đã xuất bản một chuyên luận về tiếng Mường khá chi tiết (Moscou, 1987). Phía Hoa Kỳ, hai chuyên viên về Mường là Milton và Muriel Barker ngoài việc đăng mấy bài tham luận về phụ âm đầu (1963) và cuối (1964) của Proto-Vietnamuong, còn có soạn một tập từ vựng song ngữ Mường-Anh, tiếng Mường ở đây chủ yếu là Mường Khến do các tác giả ghi lại từ các người Mường tỉnh Hoà Bình định cư ở Cao nguyên Trung phần năm 1954. L. Thompson, tác giả cuốn văn phạm tiếng Việt (A Vietnamese Grammar, 1965) nổi tiếng có thông báo bài nghiên cứu Ngữ âm Proto-Viet-Muong (1971). G. Diffloth, giáo sư Ðại Học Cornell, Hoa Kỳ, có viết bài tham luận về thanh điệu tiếng Việt (1990), và tiếng Việt như một ngôn ngữ Môn-Khmer (1991).
Trên đây tôi đã cố gắng điểm qua tình hình nghiên cứu và thu thập tư liệu về Nhóm Việt-Mường. Nếu còn sơ sót thì đó là lỗi tại tôi, tại tầm hiểu biết của tôi còn khiếm khuyết, và cũng tại một số vấn đề kỹ thuật như khuôn khổ tờ báo, v.v.
Các ngôn ngữ, thổ ngữ nhỏ thuộc Nhóm VM nằm rải rác dọc dãy Trường Sơn thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có thể xem là di sản của Việt Nam và cũng là của nhân loại. Nhưng ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ chưa có chữ viết là những sinh vật rất mong manh. Theo nhận xét của một Uỷ Ban Chuyên Viên UNESCO (xem báo Le Monde 1/4/2003), với nhịp độ tử vong từ 20 đến 30 ngôn ngữ mỗi năm thì khoảng một thế kỷ nữa, 90% nguồn tài nguyên kia sẽ biến mất. Trước tiên UNESCO phải đối phó với vấn đề cần kíp là " sắp đặt một cơ sở tài chính và hành chính giúp cho việc tập trung và lập hồ sơ những tư liệu về các ngôn ngữ chỉ còn vài người nói." Việc thu thập tư liệu là cần thiết vì " đa số các ngôn ngữ có nguy cơ tử vong có thể không lưu lại một dấu vết nào khi biến đi. "
Riêng về phần Việt Nam thì công cuộc hiện đại hoá đất nước tất yếu với việc thi công biến đường mòn Hồ Chí Minh thành xa lộ có cơ nguy sẽ đẩy lùi một số các dân tộc ít người thuộc Nhóm VM vào dĩ vãng. Ðúng thế, đường Trường Sơn chạy xuyên qua địa bàn cư trú của các tộc người thuộc Nhóm VM (và một số dân tộc ít người khác), biến đổi mạnh về sinh thái và có cơ thành thị hoá vùng này. Ðịa bàn thi công của những người thợ rừng làm đường nằm rải rác trên cả hai nhánh Ðông và Tây Trường Sơn, đi qua địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình (và Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam và Kon Tum). Với đà tiến hoá hiện nay, e rằng không còn bao lâu nữa, các ngôn ngữ như Arem, Mày, Rục, Mãliềng sẽ chỉ còn tồn dưới dạng cổ vật làm đối tượng cho các nhà khảo cổ.
Thư mục giản lược (Muốn có thư mục đầy đủ hơn, xem Ferlus 1974, Nguyễn Phú Phong 1997, Nguyễn Tài Cẩn 1995)
Cuisinier, J., 1948, Les Mường. Géographie humaine et Sociologie, Paris, Institut d"Ethnologie.
Ferlus, M., 1974, Le groupe Viet-Muong, Asie du sud-est et Monde insulien V,1,1974, 64-77.
Ferlus, M., 2001, The origin of Tones in Viet-Muong, Southeast Asian Linguistic Society XIth Conference, Bangkok, Thailand, May 16-18 2001.
Haudricourt, A.-G., 1953, La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques, Bulletin de la Société de Linguistique de Paris 49, 1, 122-128.
Haudricourt, A.-G., 1954, De l'origine des tons en vietnamien, Journal Asiatique 242, 69-82.
Mạc đường 1964, Các dân tộc miền núi bắc Trung bộ, Hà Nội, Nhà xb Khoa Học Xã Hội.
Maspero, H., 1912, Etude sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales, Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême Orient 12, 1, 1-127.
Nguyễn Phú Phong, Trần Trí Dõi, M. Ferlus, 1988, Lexique Vietnamien - Rục - Français, Université Paris 7 - Sudestasie.
Nguyễn Phú Phong, 1997, Le parler Nguồn, Université Paris 7-Denis Diderot.
Nguyễn Tài Cẩn, 1995, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Hà Nội, Nhà xb Giáo Dục.
Nguyễn Văn Lợi, 1993, Tiếng Rục, Hà Nội, Nhà xb Khoa Học Xã Hội.
Nguyễn Văn Tài, 1982, Ngữ âm tiếng Mường qua các phương ngôn. Luận án Phó tiến sĩ Ngôn ngữ học, Hà Nội, Viện Ngôn Ngữ Học, UBKHXH Việt Nam.
Trần Từ, 1996, Người Mường ở Hoà Bình, Hà Nội, Hội Khoa Học Lịch Sử.
Viện Dân Tộc Học, 1978, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Hà Nội,Nhà xb Khoa Học Xã Hội.
Võ Xuân Trang, 1998, Người Rục ở Việt Nam, Hà Nội, Nhà xb Văn Hoá Dân Tộc.
Vương Hoàng Tuyên, 1963, Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, Hà Nội, Nhà xb Giáo Dục.
Nguyễn Phú Phong