I. Hội thoại
1. Lan hỏi giáo sư chủ nhiệm khoa về kế hoạch làm việc trong tuần sau.
Lan: Thưa giáo sư, xin giáo sư cho kế hoạch làm việc của giáo sư trong tuần sau để lên lịch.
Chủ nhiệm khoa: Sáng thứ hai họp Ban chủ nhiệm khoa, sáng thứ tư chủ nhiệm khoa làm việc với các chủ nhiệm bộ môn. Thứ năm họp Hội đồng khoa học ; có thể họp cả ngày đấy. Cô nhớ ghi vào lịch những việc đó nhé.
Lan: Vâng ạ! Hình như giáo sư có hẹn làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục vào chiều thứ sáu tuần sau?
Chủ nhiệm khoa: Vâng! Vâng! Tôi quên mất. Cô nhớ gọi điện thoại nhắc lại họ nhé.
Lan: Vâng ạ.
2. Thông báo kế hoạch đi tham quan.
Lan: Cuối tuần này toàn thể sinh viên của khoa sẽ đi Hạ Long, các bạn chuẩn bị nhé.
Helen: Tuyệt! Bao giờ đi và đi mấy ngày?
Lan: Chúng ta sẽ đi sáng thứ sáu và tối chủ nhật về.
Jack: Thứ sáu được nghỉ học à?
Lan: Đúng thế. Sáng thứ 6 sẽ khởi hành từ ký túc xá lúc 7 giờ. Chiều thứ 6, cả ngày thứ 7 và sáng chủ nhật các bạn sẽ tham Hạ Long, Bãi Cháy. Chiều chủ nhật trở về Hà Nội.
3. Lan mời Helen đến nhà chơi.
Lan: Chiều mai mời Helen đến nhà tôi chơi nhé.
Helen: Mai là thứ mấy? ồ tiếc quá, ngày mai, thứ tư, tôi bận rồi.
Lan: Thế thứ 5 nhé.
Helen: Vâng thứ 5 thì đi được. Cám ơn chị, chiều thứ 5 tôi sẽ đến.
4. Nói giờ làm việc của cơ quan Việt Nam
Jack: Ở Việt Nam thứ 7 các cơ quan có làm việc không các bạn?
Nam: Có đấy! Họ chỉ nghỉ chủ nhật thôi.
Helen: Nam ơi! Hiệu sách chủ nhật có mở cửa không?
Harry: Hiệu sách và những cửa hiệu khác thì mở cửa tất cả các ngày trong tuần.
II. Ghi chú ngữ pháp
"Được": biểu thị khả năng, có nghĩa như "có thể" nhưng đặt sau Đ hoặc cuối câu
Ví dụ: - Tôi nói được tiếng Anh
- Tôi nói tiếng Pháp được.
Chú ý: Có khi dùng cả hai từ: Có thể... được
Ví dụ: Tôi có thể nói được tiếng Anh.
"Những", "Các": biểu thị số nhiều của danh từ
Những biểu thị số nhiều không xác định và có đối chếu với những sự vật khác.
Ví dụ: 3 quyển sách: số nhiều xác định.
Những quyển sách này: số nhiều không xác định (đối chiếu với những cuốn sách khác)
Các ví dụ khác:
- Những việc đó (đối chiếu với - những việc khác)
- Những cửa hiệu khác (đối chiếu với - những cửa hiệu này)
- "Các" cũng biểu thị số nhiều không xác định nhưng là số lượng toàn thể, toàn bộ, không đối chiếu với những sự vật khác
Ví dụ: - Các chủ nhiệm bộ môn
- Các bạn (chuẩn bị nhé)
- Các ngày trong tuần.
"Toàn thể", "tất cả", "cả": biểu thị số lượng toàn bộ nhiều sự vật, nhiều đối tượng.
Toàn thể, tất cả:
Ví dụ: - Toàn thể sinh viên.
- Toàn thể nhân dân.
- Toàn thể mọi người
- Tất cả các ngày.
- Tất cả quyển sách này.
"Cả" dùng để chỉ một tổng thể hoặc toàn bộ một sự vật.
Ví dụ: - Cả nước
- Cả lớp.
- Cả ngày.
Chú ý: Toàn thể dùng với D chỉ người. Tất cả, cả có thể dùng với D chỉ người lẫn D chỉ vật, đồ vật.
Câu liên động: là câu có vị ngữ Đ thuộc nhóm: "Yêu cầu, mời, xin, đề nghị, bắt, bảo..." và bổ ngữ là một kết cấu C-V mà C là đối tượng chịu tác động trực tiếp của động vị ngữ.
Ví dụ: - Mời Helen đến nhà tôi chơi.
- Helen bảo Jack đi khám bệnh.
- Mời ông vào.
- Đề nghị các bạn đến đúng giờ.
III. Bài đọc
1. Rùa và thỏ
Một buổi sáng khi mặt trời đã lên cao, trên bờ sông, một con rùa đang tập chạy.
Một con thỏ đi đến bờ sông. Nó vừa ngủ dậy. Thỏ thấy rùa đang tập chạy, nó nói:
- Này, mày cũng chạy được à?
Rùa lễ phép trả lời:
- Chào anh thỏ, tôi đang tập chạy, tôi có thể chạy được.
- Tao không tin mày chạy được, mày đi chậm lắm.
- Anh không tin thì chạy thi với tôi!
Thỏ ngạc nhiên, rùa mà cũng đòi chạy thi. Nó nói:
- À mày dám chạy thi với tao à? Tao cho mày chạy trước.
Rùa không nói gì, nó nghĩ "mình chậm chạp, mình phải cố gắng chạy nhanh".
Thỏ nhìn rùa chạy. Nó nghĩ "Mình không cần vội, khi nào nó sắp đến đích mình bắt đầu chạy cũng được". Thỏ thong thả dạo chơi trên đường. Nó nhìn trời, nhìn đất. Khi nhớ đến cuộc thi thì rùa đã chạy gần đến đích rồi. Thỏ vội cắm đầu chạy nhưng không kịp, rùa đã đến đích trước thỏ.
2. Người cha và các con
Người cha dạy các con phải sống hoà thuận, nhưng chúng không nghe lời. Ông liền sai các con đem một bó đũa đến và bảo:
- Các con bẻ đi!
Các con của ông không đứa nào bẻ được cả bó đũa. Bấy giờ người cha lấy từng chiếc đũa và bảo từng đứa bẻ. Các con ông dễ dàng bẻ hết cả bó đũa .
Người cha nói:
- Các con thấy chưa. Nếu tất cả các con sống hoà thuận đoàn kết thương yêu nhau thì các con có thể làm được hết mọi việc, còn nếu các con chỉ biết mình, không đoàn kết, chia sẻ với các anh em của mình thì các con sẽ không làm được một việc gì.